Phạm Mạnh Ðình - Tấm ngói làm từ rác thải nhựa
Tin tức Krông Bông | 05-01-2021 | 2054 lượt xem
Phạm Mạnh Đình (sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) mày mò nghiên cứu tận dụng túi ni lông bỏ đi để kết hợp với nhiều thành phần khác như trấu và mới đây là cát để làm thành gạch lát nền hoặc các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường.
Căn phòng nhỏ nằm trong khu học tập của sinh viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh là văn phòng làm việc của ban lãnh đạo Công ty cổ phần PANDO. Tổng giám đốc công ty là bạn Phạm Mạnh Ðình, 22 tuổi, hiện là sinh viên năm thứ tư ngành Công nghệ thông tin. Phạm Mạnh Ðình cho biết, công ty được thành lập vào tháng 5-2020 với mục đích mang đến những giá trị bền vững cho xã hội. Dự án mà công ty đang theo đuổi là sản xuất ra gạch, ngói từ rác thải nhựa.
Căn phòng nhỏ nằm trong khu học tập của sinh viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh là văn phòng làm việc của ban lãnh đạo Công ty cổ phần PANDO. Tổng giám đốc công ty là bạn Phạm Mạnh Ðình, 22 tuổi, hiện là sinh viên năm thứ tư ngành Công nghệ thông tin. Phạm Mạnh Ðình cho biết, công ty được thành lập vào tháng 5-2020 với mục đích mang đến những giá trị bền vững cho xã hội. Dự án mà công ty đang theo đuổi là sản xuất ra gạch, ngói từ rác thải nhựa.
Ðây cũng là ý tưởng của Phạm Mạnh Ðình khi còn là học sinh Trường THPT Krông Bông, tỉnh Ðắk Lắk. Anh kể, khi còn ở quê nhà, những ngày trời mưa, nhìn thấy rác thải nhựa trôi đầy theo dòng nước, anh nghĩ có cách nào biến chúng thành những sản phẩm có ích, không để tràn lan gây ô nhiễm môi trường. Rồi anh nhìn lên mái nhà của mình, tự hỏi: Sao mình không làm ra những tấm ngói từ rác thải nhựa để ngôi nhà chắc chắn hơn?- "Tôi bắt đầu nghiên cứu, nuôi dưỡng ý tưởng làm ngói từ rác thải nhựa cho đến khi vào đại học và gặp được những người bạn cùng có ước mơ như mình"- Phạm Mạnh Ðình chia sẻ.
Mạnh Ðình cùng nhóm bạn sinh viên trong trường đã bắt đầu nghiên cứu sáng chế ra dây chuyền tự động hóa, sản xuất gạch lát và ngói nhà làm từ rác thải nhựa và cát. Sau nhiều công đoạn như thu gom rác, cắt nhỏ rác thải thành những hạt nhựa, trộn với tỷ lệ cát phù hợp để tạo nên nguyên liệu chính làm ra sản phẩm. Hỗn hợp nhựa - cát này còn gọi là vật liệu UNC sẽ được đưa vào khuôn để đóng thành gạch, ngói. Mạnh Ðình cho biết, thành phần của sản phẩm giúp tránh thấm nước và nhẹ hơn nhiều so gạch, ngói truyền thống. Ðặc biệt, tuổi thọ của sản phẩm có thể lên tới 80 năm và hoàn toàn có thể tái chế khi bị lão hóa hay xuống cấp. Nhóm cũng đã tiến hành nhiều bài kiểm tra và thấy rằng gạch, ngói làm từ rác thải nhựa đạt yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam.
Với những ưu điểm đó, dự án sản xuất gạch, ngói từ rác thải nhựa của nhóm PANDO đã đoạt nhiều giải trong các cuộc thi khởi nghiệp. Ðặc biệt, tại vòng chung kết Startup Wheel diễn ra trong tháng 11 vừa qua, dự án đã nhận được giải "Sinh viên khởi nghiệp xuất sắc nhất".
Phạm Mạnh Ðình chia sẻ, PANDO chỉ mới đi những bước đầu tiên, rất nhiều thử thách, khó khăn còn ở phía trước. Nhưng với khát vọng mãnh liệt, những chàng trai trẻ dám nghĩ, dám làm, đặt niềm tin lớn vào con đường mình đã chọn. Ðó là xây dựng một công ty tái chế mang thương hiệu Việt Nam hàng đầu khu vực, góp phần mang lại cuộc sống xanh bền vững cho mọi người.
Bài: VÕ MẠNH HẢO | báo nhân dân
Một hôm, đúng vào ngày mưa lũ, trên đường đạp xe đi học về, Đình nhìn đâu cũng thấy rác ni lông trôi nổi lềnh bềnh, đến nỗi bạn đã ví dòng sông Krông Kmar lúc đó như dòng sông bảy màu. Về đến nhà, vì nhà bị dột nên bếp ướt, ba phải nhóm lửa bằng bao ni lông cho củi dễ cháy, Đình nhìn thấy bao ni lông cháy và teo lại thành cục nhìn rất giống nhựa, vì vậy Đình đã nảy ra ý tưởng làm nhà từ bao ni lông, vừa tận dụng được nguồn ni lông trôi lềnh bềnh ngoài kia gây hại cho môi trường, vừa có thể tiết kiệm được vật liệu xây nhà.
Sinh ra và lớn lên ở vùng núi cao nhiều thiếu thốn, Phạm Mạnh Đình nung nấu và thực hiện nhiều nghiên cứu, chế tạo mang lại lợi ích cho cộng đồng: Dùng rác ni lông làm gạch.
Ngay lần đầu gặp mặt, vừa bắt chuyện về những nghiên cứu của mình, Đình đã mở tấm hình chụp căn nhà của gia đình ở quê và nói: “Căn nhà này là nguyên nhân khiến mình cố gắng hết sức để nghiên cứu khoa học ngay từ khi còn học phổ thông ở vùng quê nghèo”.
Ý tưởng từ những khó khăn
Là người dân tộc thiểu số, gia đình sống trong một bản làng xa xôi của H.Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, cuộc sống từ nhỏ của Đình vô cùng khó khăn. Mỗi ngày Đình đi học từ nhà đến trường hàng chục cây số đường rừng trên chiếc xe đạp cũ mua lại ngoài tiệm đồng nát…
Nghiên cứu đầu tiên của Đình là nấu hoặc có thể ép bao ni lông thành nhựa nguyên khối, rồi ghép chúng thành ngôi nhà. Sau quá trình tiếp thu và xử lý bước đầu, Đình liền chuyển qua phương án 2 là vật liệu bao ni lông và trấu. Nhưng để làm được sản phẩm này cần có một máy tự động, nằm trong quy trình khép kín không gây ô nhiễm môi trường, Đình đã tự học hỏi, mày mò và làm ra cái máy đùn này.
Năm lớp 12, sản phẩm của Đình đoạt giải ba cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Không dừng lại ở đó, vào đại học Đình lại tiếp tục con đường nghiên cứu để cải tiến sản phẩm như ngày hôm nay.
Sản phẩm ý nghĩa cho cộng đồng
Do cùng đam mê nghiên cứu nên Đình đã kết hợp với Vũ Văn Dương, sinh viên Khoa Xây dựng của trường, để cùng nhau nghiên cứu, cải tiến sản phẩm.
Lúc mới trình bày ý tưởng, mọi người đều cho đó là điều hoang tưởng và không ai tin là cát có thể phối kết hợp với ni lông để làm gạch. Để chứng minh được ý tưởng của mình, Đình và Dương đã xin vào làm thí nghiệm ở Viện Sư phạm kỹ thuật. Thế là sau mỗi ngày học, hai anh chàng bắt xe buýt lên chợ Tăng Nhơn Phú (Q.9, TP.HCM) để lang thang nhặt túi ni lông rồi ném qua hàng rào của Viện vì sợ bị bảo vệ phát hiện là mang rác vào Viện.
Sau khi mang được vào, cả hai tiến hành vệ sinh túi ni lông và bắt đầu làm thí nghiệm. Với 60 lần làm thí nghiệm và một tháng ròng rã thức trắng đêm, cuối cùng kết quả cũng mỉm cười với 2 chàng trai.
“Tụi mình đã gặp rất nhiều thất bại, nhiều nhất là tỷ lệ và nhiệt độ, hai cái đó là khó nhất vì tỷ lệ này phải phù hợp với nhiệt độ nào, thử rất nhiều lần nên mỗi lần đến lớp người 2 đứa toàn mùi nhựa ni lông. Rồi đến khi đo mẫu, 2 đứa cũng bắt buộc phải thử bằng phương pháp thủ công, chạy lên tầng 4, tầng 5 rồi ném gạch thành phẩm xuống đất để xem độ méo mó của nó như thế nào, từ đó rút ra tỷ lệ tối ưu. Nói chung tụi mình tận dụng được gì thì tận dụng, vì nhà mình nghèo lắm, tiền ăn học tháng thiếu tháng hụt nên mình đâu có tiền thực hiện nghiên cứu, tất cả đều tiết kiệm từng đồng”, Đình nói.
Hiện tại, với chuyên ngành công nghệ thông tin đang theo học, Đình muốn ứng dụng công nghệ vào quy trình chế tạo gạch. “Tụi mình đã nghiên cứu thành công công nghệ để giải quyết vấn đề làm gạch thủ công. Đấy là công nghệ tự động hóa, khép kín, nhằm đảm bảo quy trình sản xuất từng mẫu vật liệu có chất lượng đồng đều, sản xuất nhanh và giá thành rẻ hơn nữa”, Đình chia sẻ.
Với ý tưởng độc đáo và phần nào giải quyết được bài toán rác thải nhựa hiện nay, sáng chế của Đình đã đoạt huy chương vàng cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường, huy chương vàng thiết kế chế tạo ứng dụng và giải nhì giải thưởng Giao thông xanh cấp thành phố năm 2018.
Hiện tại công nghệ và quy trình chế tạo gạch của Đình đang trong giai đoạn chuyển giao cho 2 công ty tại TP.HCM để sản xuất đại trà phục vụ cộng đồng.
Nguồn: báo thanh niên
Nguồn: báo thanh niên