Chênh vênh cổng trời
Nằm cách trường chính khoảng 20 km, điểm trường Ea Rớt (thuộc Trường Tiểu học Cư Pui 2) là một trong những khu vực khó khăn, thiếu thốn nhất của xã.
Thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) được người dân gọi là “cổng trời” bởi để lên đến đây phải vượt qua con dốc cao thẳng đứng, ngoằn ngoèo uốn lượn. Vào mùa nắng, đường mù mịt bụi, còn mưa xuống, việc đi lại của người dân, giáo viên và học sinh nơi đây vô cùng khó khăn. Có những hôm mưa lớn, nước ngập sâu người dân phải dùng thuyền, bè để di chuyển.
Đặc biệt, con đường gieo chữ của thầy cô cũng vô cùng gian nan. Bởi đa số các thầy cô giảng dạy nơi đây nhà đều cách xa trường nhưng vẫn phải đi về trong ngày. Việc “cuốc bộ” hàng chục km hay trượt chân té ngã xảy ra thường xuyên với những người gieo chữ nơi đây.
Trời mưa đường lầy lội, trơn như đổ mỡ cũng không ngăn nổi tình yêu nghề, yêu học sinh của giáo viên nơi đây. |
Tâm sự với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Trang (giáo viên lớp 2, ngụ huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cho hay: Quãng đường từ nhà đến trường chừng 60km, tuy nhiên do 2 con còn nhỏ nên cô không ở lại trường mà cứ sáng sớm dắt xe ra khỏi nhà, chiều tối lại rong ruổi về với con.
Vào mùa mưa, để vào được trường, cô có thể từ đập Ea Rớt (xã Ea Ô, huyện Ea Kar), sau đó gửi xe ở nhà dân và đi bộ 5km để vào trường. Con đường thứ 2 là từ thôn Cư Tê (xã Cư Pui, huyện Krông Bông), từ đây các cô phải đi bộ khoảng 8km mới có thể đến với điểm trường Ea Rớt. Quãng đường nào cũng đầy rẫy khó khăn, hiểm trở.
“Cứ 4 giờ sáng, tôi thức dậy chuẩn bị hành trang để đến trường. Ngày nắng còn đỡ, chứ mưa xuống xe máy chạy một đoạn lại trượt té. Nhiều hôm tôi phải gửi xe nhà dân rồi lội bộ vài km để đến lớp. Đến nơi, người dính đầy bùn đất, cứ thế cô trò lấm lem trong phòng học”, cô Trang nói.
Trải lòng về kỷ niệm với nghề, cô Trang nhớ mãi khi đang mang thai tháng thứ 7, có lần đi đến trường, con đường đất sau mưa trơn như đổ mỡ khiến cô ngã nhào. Cả người lẫn xe từ trên dốc xuống lăn cả chục vòng. May mắn cô và đứa trẻ trong bụng đều bình an vô sự.
“Thời gian đầu mới đi dạy nhìn trường lớp, đường sá tôi cũng nản lòng. Nhưng khi chứng kiến các em học sinh chân đất, đầu trần đội mưa đến lớp chờ cô, tôi thấy thương vô cùng. Mỗi ngày, tôi lại tự động viên mình cố gắng. Các em đến lớp được thì chúng tôi cũng đến được. Nghèo khó không ngăn được bước chân của các em, thì mưa nắng có sá gì với người giáo viên”, cô Trang chia sẻ.
Cô Trang còn tâm sự, cô và chồng làm việc ở hai huyện khác nhau, ai cũng đi làm xa nhà. Tuy nhiên, thương vợ, thương con và cảm nhận được lòng yêu nghề cháy bỏng của vợ nên chồng cô đành nghỉ làm ở nhà chăm con và lo việc nương rẫy.
Con đường đến lớp nhọc nhằn của trẻ em nơi dốc cổng trời. Ảnh: T.G |
Ước trời mãi nắng
Tương tự, cô Nguyễn Thị Liễu (giáo viên lớp 5, ngụ huyện Krông Pắk) chẳng nhớ nổi bản thân đã té ngã bao nhiêu lần trên cái cung đường gieo chữ ấy.
“Chuyện cả người và xe ngã kềnh trên đường đã thành “đặc sản”. Việc té ngã trên đường như thói quen với chúng tôi rồi, hôm nào không té ngã cứ cảm thấy có gì đó bất an...”, cô Liễu tươi cười nói.
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Quy Nhơn, cô Liễu được phân về dạy tại Trường Tiểu học Cư Pui 2. Trước khi đến điểm trường, trong trí tưởng tượng của cô luôn là hình ảnh các em học sinh tươm tấp đến học tại ngôi trường khang trang, đầy đủ điều kiện. Tuy nhiên, ngày đầu đặt chân tới vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, cô vô cùng bàng hoàng.
Mặc dù bị té ngã nhiều lần, nhưng cô Liễu vẫn tâm huyết với nghề giáo. Ảnh: T.G |
Không chỉ khổ cực về đường sá, giáo viên nơi đây còn phải đối mặt với khó khăn trong việc giảng dạy các em học sinh lớp 1. Bởi đa số các em đều là người dân tộc thiểu số, ít tiếp xúc và giao tiếp bằng tiếng phổ thông.
Bên cạnh đó, nhiều em không học mẫu giáo nên khi bước vào lớp 1, các em không biết mặt chữ. Ngay cả tên của mình một số em còn không nhớ được. Khi đó, cô đã bật khóc và có ý xin nghỉ dạy về nhà tìm công việc khác để làm bởi trường lớp quá thiếu thốn, đường sá đi lại khó khăn trăm bề.
Tuy nhiên, nhìn vào đôi mắt trong veo trên gương mặt lem luốc cùng đôi chân trần, cô Liễu lại muốn thử thách bản thân mình. Thời gian đầu do đường sá khó khăn, xa xôi hiểm trở nên các thầy cô trong trường mang theo đồ ăn, mua nước sạch để nấu nướng, ăn uống. Những bữa cơm rau và cá khô đối với các thầy cô tưởng chừng như “sơn hào, hải vị”.
Nhưng qua một thời gian, do con còn nhỏ, chồng công tác xa nhà nên hằng ngày cô phải chạy đi chạy về hơn 80km. Mỗi khi đến lớp dạy học, cô tự động viên mình cố gắng dạy các em học sinh nơi đây biết được mặt chữ. Cứ thế, từ những đứa trẻ xa lạ, chúng bắt đầu bám cô như người mẹ thứ 2. Dần dần cô quên mất cái khổ, cái khó, đến nay cô đã gắn bó với các em học sinh nơi đây gần 6 năm.
“Đường xa xôi cũng không sao, nhưng cực nỗi con đường khi mưa xuống trơn tuột. Mùa mưa, tôi và một số đồng nghiệp phải gửi xe cách trường gần 10km rồi đi bộ vào. Có đoạn ngập phải đi bè của người dân vượt suối, lúc đến trường các cô chỉ biết nhìn nhau cười vì ai nấy đều nhem nhuốc.
Những bữa cơm giản đơn của giáo viên điểm trường Ea Rớt. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Giờ tôi chỉ mong trời cứ mãi nắng để học trò của mình đến trường đỡ vất vả hơn, không còn ướt quần áo, sách vở nữa. Có như vậy, các em mới yên tâm, chăm chỉ học con chữ để sau này thanh tài”, cô Liễu chia sẻ.
Thầy Nguyễn Thuần, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2 cho biết: Trong năm học 2019 - 2020,điểm trường Ea Rớt có 6 lớp với 6 giáo viên. Do điều kiện thiếu thốn, đường đi lại khó khăn các thầy cô gặp không ít khó khăn, vất vả.
Bên cạnh đó, nhiều thầy cô giáo nhà xa lại có con nhỏ nên phải chạy đi chạy về liên tục. Không những vậy, từ trung tâm xã vào điểm trường có khoảng 10km đường xấu. Mỗi khi mưa xuống trơn trượt, chuyện té ngã xảy ra thường xuyên.
Theo vị hiệu trưởng, trường vẫn sử dụng nước giếng nhưng đã bị nhiễm phèn nặng. Bên cạnh đó, trước đây, điểm trường được tài trợ hệ thống điện mặt trời nhưng giờ đã hư hỏng. Nguồn vốn cần để sửa chữa khoảng 20 triệu đồng, tuy nhiên chưa tìm được kinh phí.
Trường lớp thì vậy, đời sống nhà giáo cũng khó khăn không kém. Theo thầy Thuần, năm 2019, xã Cư Pui tiếp tục được đưa vào xã vùng 3. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên giáo viên vẫn chưa được nhận phụ cấp, lương hiện nay chỉ 4 đến 5 triệu đồng/người. “Trước những khó khăn này, nhà trường hỗ trợ 200.000 đồng/tháng/giáo viên tiền xăng xe”, thầy Thuần nói.
Trúc Hân - “Báo Giáo dục & Thời đại”